Lễ cũng Thần Tài trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt

Thần Tài có ý nghĩa đặc biệt, mang lại tiền tài, danh vọng...Vì thế mọi người, rất coi trọng lễ cúng thần tài. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu lễ cúng này.
Đang cho thuê

1  2  3  4  5 5/5 - 1 Bình chọn - 2401 Lượt xem

Đối với người làm kinh doanh, cúng Thần Tài là việc rất được coi trọng. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và một số nước phương Đông nói chung, Thần Tài cùng với Thổ Địa là hai vị thần mang tới tiền tài, danh vọng cho con người. Muốn kinh doanh phát đạt, chúng ta cần phải quan tâm tới việc cúng lễ thần tài vào các ngày rằm, mùng một, ngày vía thần tài… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nét văn hóa này của người Việt Nam.
 

Thần Tài là ai?


Nếu như Thổ Địa là vị thần cai quản đất đai, giúp cho gia đình được yên ấm, che chở thì Thần Tài được quan niệm là vị thần mang tài lộc, thành công, công danh... Thần Tài còn được biết đến với cái tên Tài Bạch Tinh Quân. Thần Tài luôn được gắn liền với hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền lành, nhân hậu, trên tay cầm một thỏi vàng lớn tượng trưng cho tài lộc.

Ông Thần Tài

Ông Thần Tài trong tín ngưỡng của người Việt Nam

Thần Tài thường được đặt chung bàn thờ với Thổ Địa. Vị trí đặt bàn thờ Thần Tài phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Mọi người thường đặt bàn thờ Thần Tài ở góc nhà. Lễ vật cúng Thần Tài, Thổ Địa hàng ngày cũng không quá cầu kỳ, nói chung là tùy tâm, lòng thành của mỗi người. Riêng dịp lễ lớn hoặc ngày vía Thần Tài, mâm cúng cần được chăm chút, chú ý hơn.
 

Ngày vía Thần Tài là ngày nào? Ý nghĩa của ngày vía Thần Tài


Theo quan niệm của ông bà ta từ xưa, ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm được gọi là ngày vía Thần Tài. Nhưng đối với người làm kinh doanh ngày nay, hầu như mọi người đều cúng thần tài mùng 10 hàng tháng, theo lịch âm. Riêng ngày mùng 10 tháng Giêng sẽ được xem là ngày cúng thần tài quan trọng nhất, với mâm lễ cúng lớn nhất trong năm.

Ngày vía Thần Tài có ý nghĩa như thế nào?

Vía Thần Tài chính là ngày để gia chủ, đặc biệt là người kinh doanh bày tỏ lòng cảm ơn đối với Thần Tài đã giúp cho họ kinh doanh hiệu quả, nhiều lợi nhuận. Đồng thời, ngày Thần Tài cũng là thời điểm để mọi người thể hiện mong muốn, cầu mong Thần Tài giúp đỡ để làm ăn phát đạt, thuận lợi trong một năm tiếp theo.

Ngày vía Thần Tài để cầu mong cho một năm làm ăn thuận lợi

Ngày vía Thần Tài để cầu mong cho một năm làm ăn thuận lợi

Vì sao ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch lại được chọn là ngày vía Thần Tài?

Dựa theo một truyền thuyết dân gian thì trước đây, Thần Tài là tiên trên trời. Vị tiên  nhân này được giao nhiệm vụ cai quản các vấn đề liên quan tiền bạc, công danh, tài lộc. Nhưng một lần khi đi chơi và uống rượu, Thần Tài  vì uống quá say khi đang ở dưới nhân gian. Thần Tài bị ngã và không nhớ mình là ai. Vì thế lang thang mãi dưới nhân gian.
Những gia đình mà Thần Tài gõ cửa xin giúp đỡ, và sẵn lòng giúp đỡ ông, sau đó thường buôn may, bán đắt, thuận lợi kiếm tiền và trở nên giàu có. Thần Tài đến gõ cửa chính là điềm may mắn. Nhưng vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch, Thần Tài nhớ lại được mọi chuyện nên quyết định bay về trời. Đây chính là lý do vì sao người dân lại thờ cúng Thần Tài và chọn ngày 10 tháng Giêng âm lịch để cúng vía Thần Tài.

 

Ngày vía Thần Tài cúng gì là chuẩn nhất?


Trước khi tiến hành sắp mâm lễ cúng vía Thần Tài, gia chủ cần cẩn thận lau dọn thật sạch bàn thờ. Bụi lau sạch, phần mặt trước của bàn thờ phải sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Nếu cẩn thận hơn, trước khi sắp lễ, không chỉ lau bàn thờ, gia chủ cũng nên lau tượng của Thần Tài và Thổ Địa bằng rượu trắng hoặc các loại nước thơm tự nhiên từ hoa tươi, cây hương liệu.
Mâm lễ cúng Thần Tài gồm những gì? Vào ngày vía Thần Tài, trên mâm cũng thường sẽ có một đĩa thịt quay, ngoài ra cần có thêm cỗ Tam Sên bao gồm 1 miếng thịt heo luộc, trứng và tôm luộc. Gia chủ có thể dùng cua luộc thay cho tôm. Đối với người miền Nam, mâm cúng Thần Tài còn có thêm cá lóc nướng. Cứ vào ngày vía Thần Tài bạn sẽ thấy các quán cá lóc nướng tấp nập người bán kẻ mua.
Một bình hoa, đĩa trái cây cũng được thêm vào mâm cúng Thần Tài vào ngày này. Người ta thường sẽ chọn các loại trái cây có màu may mắn như màu đỏ hoặc tên gọi mang nghĩa tài lộc như mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài. Để thể hiện mong ước về cuộc sống no đủ cả năm, mọi người cũng chuẩn bị hũ gạo, muối và hũ nước đầy đặt ở vị trí giữa tượng Thần Tài và Thổ Địa.

Mâm cúng Thần Tài

Mâm cúng Thần Tài

Theo quan niệm của người xưa, bát nhang trên bàn thờ Thần Tài phải được đặt ngay ngắn ở chính giữa, không được phép dịch chuyển. Trên ban thờ ngày Thần Tài cúng gì? Gia chủ nên có thêm:
-  5 chén nước được sắp theo hình chữ thập với ý nghĩa phát triển hài hòa ngũ hành, ngũ phương.
- 5 củ tỏi đặt trong đĩa nhỏ hoặc sử dụng tháp tỏi được làm sẵn (có thể mua ở các cửa hàng bán đồ thờ cúng) với hy vọng xua đuổi tà khí, ma quỷ.
- Tượng Ông Cóc: bức tượng này sẽ được đặt ở bên trái của bàn thờ Thần Tài. Ban ngày gia chủ để tượng quay ra ngoài, lúc tối thì để tượng Ông Cóc quay vào trong. Bức tượng này được đặt trên bàn thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc vào nhà.
- Một số người còn chuẩn bị thêm một bát nước sạch được rắc thêm các cánh hoa hồng ở trên nhằm thể hiện mong ước tiền bạc không trôi mất. Vị trí đặt bát hoa này sẽ ở nền đất, ngoài cùng thay vì đặt trên bàn thờ.
- Nếu bạn để ý có thể thấy, ở một số gia đình, họ còn đặt lên bàn thờ vàng để lấy lộc, thu hút may mắn cho cả năm hoặc đặt lên mâm cúng đĩa xôi và chè trôi nước để mong làm ăn kinh doanh thuận lợi, trôi chảy.

 

Một lưu ý khi gia chủ sắp mâm cúng Thần Tài


- Không nên dùng hoa giả. Hoa trên bàn thờ phải là hoa thật, còn tươi, có hương thơm vừa có hoa, vừa có nụ.
- Đối với trái cây cũng vậy, tuyệt đối không dùng đồ giả. Cần chọn loại quả tươi, ngon để dâng lên Thần Tài. Gia chủ cũng nên chuẩn bị khay tiền vàng giấy, thêm cây đèn nhỏ ở hai bên của bát hương bàn thờ, 3 cốc nước cùng với 2 chén rượu nhỏ.

Dùng hoa và trái cây tươi khi cúng Thần Tài

Dùng hoa và trái cây tươi khi cúng Thần Tài


- Khi tiến hành làm lễ cúng thần Tài, gia chủ phải chú ý chải lại đầu tóc gọn gàng, ăn vận lịch sự.
- Đối với việc cúng Thần Tài hàng ngày thì đơn giản hơn nhiều. Gia chủ chỉ cần nhớ thay các chén nước, hũ nước mới trên bàn thờ mỗi ngày. Hoa tươi có thể để lâu hơn, chừng 1 tuần thay 1 lần. Còn riêng đồ cúng trên ban thờ, bạn có thể đặt kẹo bánh, đồ ăn bất kỳ, tùy theo tấm lòng thành của bạn. Với những người làm kinh doanh, mỗi sáng trước khi mở hàng, gia chủ nên nhớ để thắp nhang cho Thần Tài.

 

Cúng Thần Tài, gia chủ cần kiêng kỵ những vấn đề gì?


Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đây là câu mà cha ông ta vẫn nhắc nhở. Vì thế, không chỉ chú trọng việc thờ cúng, gia chủ cũng cần tìm hiểu để tránh những việc có tác động không tốt trong ngày vía Thần Tài.

Vị trí đặt bàn thờ Thần Tài

Mặc dù bàn thờ Thần Tài được đặt thấp hơn bàn thờ tổ tiên và thường ở trong góc thấp nhưng phải giữ cho sạch sẽ, thoáng mát, tránh khu vực ồn ào. Nên giữ khu vực bàn thờ thanh tịnh là tốt nhất.

Bàn thờ Thần Tài đặt vị trí sạch sẽ,

Bàn thờ Thần Tài đặt vị trí sạch sẽ, thanh tịnh

Chia lộc cúng cho người ngoài

Đồ cúng, bánh trái, hoa quả sau khi cúng xong được gọi là lộc. Gia chủ không nên đem chia phần lộc này cho người ngoài. Vì theo quan niệm của người xưa, đem lộc cho người ngoài không khác nào bỏ đi tài lộc của mình cho người khác. Gia chủ sẽ hao tài tốn của.

Hắt rượu và nước cúng ra ngoài

Sau khi cúng, gia chủ nên đứng ở phía ngoài hắt rượu, nước cúng vào phía trong nhà mình thay vì đứng trong nhà và hắt ra ngoài. Hành động này tương tự như việc chia lộc cúng. Nếu gia chủ hắt nước, rượu ra ngoài sẽ giống như đổ bỏ tài lộc của mình. Nếu hắt từ ngoài vào trong nhà, sẽ mang ý nghĩa rước tài lộc về cho gia đình.

Để thú cưng (chó mèo) làm kinh động tới bàn thờ

Vào ngày cúng Thần Tài, đặc biệt là ngày vía Thần Tài, nếu bạn để thú cưng của gia đình như chó mèo kinh động tới bàn thờ sẽ bị xem là một sự bất kính đối với các vị thần. Việc này còn làm khu vực bàn thờ không còn sạch sẽ. Chính vì vậy, việc cúng lễ Thần Tài sẽ không được trọn vẹn theo đúng ý nghĩa mà gia chủ mong muốn.

Làm rơi gạo muối sau khi cúng Thần Tài

Việc làm rơi vương vãi gạo muối sau khi tiến hành cúng Thần Tài cũng có ý nghĩa tương tự như việc chia lộc cho người ngoài hoặc hắt nước, rượu từ trong ra ngoài nhà. Gạo, muối bị vương rơi chẳng khác nào lộc lá, tiền tài, may mắn rơi mất.

Gạo muối cúng Thần Tài

Gạo muối cúng Thần Tài xong không nên để rơi vương
 

Văn khấn Thần Tài như thế nào?


Đối với việc thắp nhang hàng ngày cho Thần Tài, bạn không cần phải đọc bài khấn, chỉ cần vái lạy là được. Nhưng đối với những dịp lễ lớn, đặc biệt là vào ngày vía Thần Tài, gia chủ nên ghi nhớ và khấn theo bài. Đọc bài cúng Thần Tài một cách nghiêm túc, chính là cách để thể hiện sự thành tâm của gia chủ đối với Thần Tài. Vì vậy, gia chủ nên ghi nhớ và học thuộc bài văn khấn.
Trong lúc khấn, không để xung quanh bị ồn ào, không chửi thề, nói tục. Trang phục nghiêm túc, chỉn chu. Khi đọc văn khấn Thần Tài, gia chủ nên đọc to được xem là tốt hơn là việc chỉ đọc nhẩm, đọc thầm/. Người xưa quan niệm khi đọc to văn khấn Thần Tài, việc làm ăn buôn bán cũng thuận lợi, phát tài, phát lộc hơn nhiều.
Mong rằng với những chia sẻ trên đây của chúng tôi, bạn đã hiểu thêm nét văn hóa tín ngưỡng trong đời sống của người Việt Nam ta. Bạn cũng biết ngày vía Thần Tài cúng gì, như thế nào cho đúng nhất để mang tài lộc về cho gia đình mình. Hãy chuẩn bị tươm tất mâm cúng Thần Tài vào ngày vía Thần Tài sắp tới bày tỏ sự biết ơn và cầu mong Thần Tài giúp đỡ để cuộc sống, công việc thuận lợi hơn.

Bài viết khác


info@vanphongchothue.vn 0979771188
Chat ngay Chat ngay